ĐƠN KHIẾU NẠI Giấy xác nhận 5987/GXN-STTTT đề ngày 21/12/2017 của Sở Thông Tin và Truyền thông TPHCM đối với nội dung của xuất bản phẩm hướng dẫn học Pháp Luân Công: Đề nghị STTTT chấm dứt ngay hành vi phân biệt đối xử

ĐƠN KHIẾU NẠI

(Về Giấy xác nhận 5987/GXN-STTTT đề ngày 21 tháng 12 năm 2017 của Sở Thông Tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đối với nội dung của xuất bản phẩm hướng dẫn học Pháp Luân Công)

I. NGƯỜI KHIẾU NẠI

Tôi tên : Nguyễn Thiên Hà (Đã lược bỏ thông tin cá nhân và thông tin liên lạc)

IÌ. ĐỐI TƯỢNG BỊ KHIẾU NẠI

Giấy Xác nhận 5987/GXN-STTTT đề ngày 21 tháng 12 năm 2017 của Sở Thông Tin Truyền thông và Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết là Sở TTTT) vội dung của xuất bản phẩm không kinh doanh hướng dẫn học Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), ký ban hành bởi ông Trịnh Hữu Anh – Phó phòng Xuất bản, In và Phát hành.

III. NỘI DUNG

Vào đầu tháng 7/2017, tôi có nhập một lô hàng xuất bản phẩm từ Đài Loan theo hình thức không kinh doanh gồm có 4 sách tên tiếng Việt là Chuyển Pháp Luân (tên tiếng Hoa 轉法輪)[1]. Lô hàng của tôi đã được gửi đi kiểm tra văn hóa ở Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM trong cùng thời điểm trên.

Vào ngày 21 tháng 12 năm 2017, tôi đã nhận Giấy xác nhận 5987/GXN-STTTT được ký ban hành bởi ông Trịnh Hữu Anh – Phó Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành của Sở TTTT về việc xác nhận nội dung các trang số 332, 333, 365, 366 trong sách Chuyển Pháp Luân (轉法輪) là vi phạm pháp luật, cụ thể Điều 10 – Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 năm 2012.

Tuy nhiên, tôi không đồng ý với kết quả của Giấy Xác nhận 5987/GXN-STTTT vì dựa trên nguyên lý rất cơ bản: Nhà nước Việt Nam không cấm Pháp Luân Công và cũng không cấm hay hạn chế việc nhập các xuất bản phẩm hướng dẫn học Pháp Luân Công, nên việc người dân nhập khẩu những tài liệu hướng dẫn học Pháp Luân Công là hợp pháp. Tôi sẽ làm rõ cụ thể nội dung khiếu nại như bên dưới.

Thứ nhất, tôi khẳng định trong toàn bộ nội dung của xuất bản phẩm là sách Chuyển Pháp Luân (轉法輪) không có bất kỳ nội dung nào vi phạm Điều 10 – Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 năm 2012. Kết luận của Giấy Xác nhận 5987/GXN-STTTT là hết sức vô lý và không có căn cứ thực tế.

Thứ hai, Giấy Xác nhận 5987/GXN-STTTT đề cập đến một số trang sách trong quyển Chuyển Pháp Luân (轉法輪) gồm 332, 333, 365, 366 kèm theo kết luận là vi phạm pháp luật Điều 10 – Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 năm 2012.

Tôi sẽ phân tích và làm rõ những nhận định vô căn cứ này đối với nội dung các trang sách trong lô hàng của tôi như sau:

Nội dung trang 332 và 333, sách Chuyển Pháp Luân (轉法輪): một phần của bài 医院治病与气功治病 (Trị bệnh trong bệnh viện và trị bệnh bằng khí công). Tác giả kể về thời xưa, những danh y Trung Quốc, các đại y học gia như Tôn Tư Mạc, Hoa Đà, Lý Thời Trân, Biển Thước, v.v. sử dụng các công năng đặc dị (khả năng đặc biệt) để trị bệnh cho con người. Một trong những cách để họ chẩn đoán bệnh đó là thông qua sử dụng “thiên mục” (còn gọi là con mắt thứ ba, con mắt của trí tuệ) để có thể nhìn được bệnh qua từng lớp cắt của thân người ở các chiều không gian khác nhau, điều này không thể nào làm được bằng mắt thường mà phải qua các thiết bị y tế hiện đại như máy chụp X-quang, CT… Tác giả dẫn chứng câu chuyện thần y Hoa Đà nhìn thấy bệnh của Tào Tháo nhờ vào khả năng đặc biệt trong tiểu thuyết lịch sử “Tam quốc diễn nghĩa” của tác giả La Quán Trung. Đồng thời, tác giả nhận xét về tính hiệu quả của việc trị bệnh bằng công năng so với việc phải phụ thuộc vào các công cụ y khoa hiện đại.

Nói về Đông Y, có nhiều nội dung như Âm Dương, Ngũ Hành, Kinh Mạch,… đều không thể được phát hiện qua giải phẫu học; tuy nhiên, những nguyên lý này lại được Đông Y sử dụng rộng rãi như nền tảng để chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Như vậy, tác giả của sách Chuyển Pháp Luân chỉ khẳng định lại những thực tế đã diễn ra trong giới y học cổ truyền.

Chủ đề về năng lực đặc biệt cũng không phải là xa lạ đối với nền văn minh trên thế giới và cả ở Việt Nam. Từ nhiều năm trước, nước ta đã thành lập Viện Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Tiềm Năng Con Người[2] với các chuyên gia, các nhà ngoại cảm chuyên nghiên cứu và ứng dụng các năng lực đặc biệt (công năng đặc dị) vào những việc cụ thể trong đó bao gồm trị bệnh. Thông qua việc nghiên cứu, khai thác ứng dụng thành công các tiềm năng của con người, Viện đã chứng minh khả năng phi thường của những người đang được nghiên cứu là có thật trong các đề tài khoa học; trong đó, công trình khoa học ứng dụng có tên là “Xác minh tên liệt sĩ trên mộ vô danh” đã được Liên hiệp Khoa học công nghệ Tin học ứng dụng (UIA), Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống phối hợp trong chương trình “Tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm” và giúp cho những gia đình tìm lại được di hài của người thân thất lạc trong chiến tranh [3]. Điều này cho thấy nội dung về các khả năng đặc biệt của con người được kể trong sách Chuyển Pháp Luân là có căn cứ, ngược lại, việc Sở TTTT kết luận những nội dung nói trên trong sách là vi phạm pháp luật mới là không có căn cứ và trái ngược lại với những nhận định, công trình nghiên cứu thuộc các đơn vị khác trực thuộc Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.

Tương ứng với những công trình ứng dụng nói trên, các cơ quan chuyên ngành về văn hóa thông tin từng cho xuất bản các sách về khả năng đặc biệt từ cách đây hơn 20 năm, nói về khả năng nhìn xuyên thấu các chiều không gian và trị bệnh từ xa. Tôi lấy dẫn chứng là sách Bàn Tay Ánh Sáng (tên tiếng Anh “Hands of Light”, tác giả Barbara Ann Brennan, 1988 – NXB Văn Hóa Thông Tin 1996 & 2006)[4], tác giả Barbara cho biết bản thân có khả năng nhìn xuyên thấu thân thể, thấy được khối u, ổ bệnh trong nội tạng của bệnh nhân thông qua “con mắt thứ ba”, và khả năng đó được bà đặt tên là “thấu thị”. Bà mô tả lại ở vị trí “con mắt thứ ba” trên trán như một máy quét scanner làm thay chức năng của công cụ y khoa X quang giúp bà nhìn thấy các cơ quan bên trong cơ thể người bệnh và những nơi bị viêm nhiễm.

Gần đây nhất, khả năng này được tìm thấy ở ngay Việt Nam qua trường hợp của bà Hoàng Thị Thiêm – nhà ngoại cảm, người phụ nữ có “con mắt thứ ba” với những khả năng mà cho đến nay vẫn còn là bí ẩn với khoa học và tri thức nhân loại. Bà Hoàng Thị Thiêm là tác giả của cuốn tự truyện Trò chuyện với cõi vô hình (Nhà Xuất Bản Hội Nhà văn và First News Trí Việt, 2017)[5] được Sở TTTT cấp phép năm 2017. Bà trở thành đối tượng nghiên cứu của các tổ chức quốc tế. Cuốn Trò chuyện với cõi vô hình được mua bản quyền để dịch qua các ngôn ngữ khác như Nhật Bản, Đài Loan[6]. Cuốn tự truyện này được cho là đã tạo ra thay đổi lớn trong nhận thức và trong cách người Việt Nam nhìn nhận về thế giới quan cũng như giúp người đọc hiểu rõ hơn về luật nhân quả và trân trọng những giá trị tâm linh.

Như vậy, nội dung tương tự về “thiên mục” (con mắt thứ ba, khả năng nhìn xuyên thấu) được kể lại trong sách Chuyển Pháp Luân không thể bị coi là vi phạm pháp luật vì đó là những kiến thức phổ quát trong nền văn minh nhân loại đã được phổ biến không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới từ nhiều năm nay, nó đã từng xuất hiện trong các sách được xuất bản trước đây và thậm chí còn được ứng dụng từ nhiều năm nay trong các công trình nghiên cứu khoa học của Nhà nước và trên thế giới. Giấy xác nhận 5987/GXN-STTTT cho rằng nội dung này vi phạm pháp luật là võ đoán, vô căn cứ và mâu thuẫn vì xuất bản phẩm có nội dung tương tự từng được xuất bản trước đây.

Nội dung 365 và 366, sách Chuyển Pháp Luân (轉法輪): một phần của bài 周天 (Chu Thiên). Trong các trang này nói về việc một số người tu luyện khi khai mở vòng chu thiên có thể xuất hiện một số khả năng đặc biệt đó là bay bổng lên hoặc cơ thể trở nên rất nhẹ nhàng. Tác giả cũng đồng thời giải thích rằng những ai có tâm tính cao thường sẽ không sử dụng những khả năng phi thường này vào những việc phục vụ cho danh lợi, cũng như sẽ không khoe khoang tự mãn về khả năng của mình.

Về chủ đề người tu luyện có khả năng thần thông đã được các kinh sách Phật Giáo kinh điển nói đến như trong “Truyện cổ Phật Giáo” dịch từ Nguyên tác Hán văn “Phật giáo cố sự đại toàn” của Diệu Hạnh Giao Trinh dịch, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo 2015[7], kể rằng đồ đệ Mục Kiền Liên của Đức Phật dùng ngón chân ấn đổ cung điện của trời Đế Thích, thánh tăng tu đạt quả vị A-La-Hán thi triển thần thông bay lên không trung, phóng ra lửa và nước từ lông mày… để răn dạy ngộ tính của con người. Ngoài ra, Quý Sở có thể tham khảo sách Những Hiện Tượng Siêu Phàm Kỳ Bí Trong Văn Hóa Phật Giáo – Huyền Thoại & Thực Tế [8] , trong đó sưu tầm những huyền thoại về khả năng siêu phàm của các vị tăng ni, thiền sư trong tu tập và đối chiếu với những sự viện có thật trong đời sống hiện đại của chúng ta: như khả năng biết trước tương lai của Thiền phái Diệt Hỷ, công phu đi ngàn dặm của thiền sư Nhật Bản phái Tendai-shu (phái Thiên Thai, thuộc Phật giáo Đại thừa), khả năng bay lơ lửng giữa cao nguyên của thầy tu Tây Tạng. Cũng trong cuốn Những Hiện Tượng Siêu Phàm Kỳ Bí Trong Văn Hóa Phật Giáo – Huyền Thoại & Thực Tế, năng lực biết bay đã được các nhà khoa học trên thế giới trực tiếp chứng kiến và nghiên cứu về tính khả thi.

Tương tự, kinh thánh trong Thiên Chúa giáo, sách Lời Chúa cho mọi người (Kinh thánh Cựu Ước và Tân Ước, Nhà Xuất bản Tôn giáo 2016) [9] có nói đến các chủ đề thần thông như việc Thiên Chúa tạo ra trái đất trong 7 ngày, tạo ra “ngày” và “đêm”, tạo ra các thủy quái khổng lồ, lấy bụi từ bùn đất và nặn ra con người, trong phần “Khải huyền” còn mô tả trong ngày phán xét cuối cùng, khi tiếng kèn của thiên thần cất lên thì hóa phép khiến sấm sét nổi lên, động đất rung chuyển, trời đất tối sầm,…những nội dung về thần thông đề cập trong xuất bản phẩm này đã tồn tại nhiều năm nay phục vụ cho đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng giáo dân Việt Nam.

Với những dẫn chứng trên, có thể thấy rằng các kinh sách của hai tôn giáo lớn nêu trên đều có nhiều điển tích nói về những chủ đề thần thông của giới tu luyện, và nó đã được ghi chép trong nhiều xuất bản phẩm ở Việt Nam trong nhiều năm qua phục vụ cho độc giả thuộc cộng đồng các tín ngưỡng, tôn giáo. Như vậy, việc sách Chuyển Pháp Luân đề cập đến chủ đề tương tự không thể bị coi là vi phạm pháp luật như Giấy xác nhận 5987/GXN-STTTT nhận định.

KẾT LUẬN:

Từ những phân tích trên tôi xin được tóm tắt như sau:

– Tôi khẳng định không có bất kỳ nội dung nào trong xuất bản phẩm Chuyển Pháp Luân (轉法輪) là vi phạm pháp luật như nhận định của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM trong Giấy Xác nhận 5987/GXN-STTTT đề ngày 21 tháng 12 năm 2017.

– Trong cụ thể từng trang mà Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đề trong Giấy Xác nhận 5987/GXN-STTTT, tôi nhận thấy:

Các chủ đề thảo luận trong các trang 332, 333 của sách Chuyển Pháp Luân (轉法輪) không chỉ từng xuất hiện nhiều lần trong các xuất bản phẩm khác được cơ quan chuyên ngành xuất bản cấp phép phát hành, mà thực tế còn có những công trình nghiên cứu và ứng dụng những đề tài này thành công ở Việt Nam và trên thế giới. Điều này có nghĩa là chủ đề được thảo luận ở trang 332, 333 đã được nền văn minh trong và ngoài nước ghi nhận như một thực tế khách quan.

Tuy nhiên, kết luận của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho là nội dung trang 332, 333 này vi phạm pháp luật đã thể hiện Sở vừa không nhất quán trong quá trình thẩm định nội dung xuất bản phẩm, vừa đi ngược lại với những khám phá tri thức của nền văn minh nhân loại và chẳng khác nào phủ nhận công trình nghiên cứu bấy lâu của Nhà nước.

Các nội dung trong các trang 365, 366 của sách Chuyển Pháp Luân (轉法輪) đã từng được xuất bản phẩm của các tôn giáo lớn đề cập. Tuy nhiên, không rõ vì sao khi những nội dung này được nhắc đến trong sách học Pháp Luân Công thì lại bị Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho là vi phạm pháp luật.

Tôi nhận thấy Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có dấu hiệu phân biệt đối xử đối với những người dân học Pháp Luân Công, vi phạm Pháp lệnh về Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 (nay là Luật Tín ngưỡng và tôn giáo 2017) khi ban hành một quyết định gây ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của người dân.

Do vậy, theo tôi, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã có những nhận định chủ quan, vô căn cứ trong việc ban hành Giấy Xác nhận 5987/GXN-STTTT, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tôi.

IV. ĐỀ NGHỊ:

Từ những nội dung khiếu nại được phân tích cụ thể như trên, tôi đề nghị:

  1. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM huỷ Giấy Xác nhận 5987/GXN-STTTT đề ngày 21 tháng 12 năm 2017 do Phó Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành – ông Trịnh Hữu Anh – ký về việc xác nhận nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh.
  2. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chấm dứt hành vi phân biệt đối xử và ra quyết định cho tôi nhận 01 kiện hàng của tôi gồm các xuất bản phẩm nói trên.

Trên đây là nội dung Đơn Khiếu nại của tôi đối với Giấy Xác nhận số 5987/GXN-STTTT ban hành bởi Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Tôi hy vọng Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM sẽ nghiêm túc xem xét nội dung Đơn và xử lý trên tinh thần tuân thủ và tôn trọng luật pháp Việt Nam, đối xử với tôi công bằng và thực hiện đúng nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc xử lý khiếu nại để đảm bảo quyền lợi của người dân và uy tín của Nhà nước Việt Nam.

Nếu như đơn này không thuộc thẩm quyền giải quyết của quý cơ quan, quý cơ quan vui lòng chuyển đơn giúp tôi đến cơ quan/phòng ban có trách nhiệm giải quyết và thông báo cho tôi bằng văn bản.

Tôi chân thành cảm ơn quý cơ quan đã dành thời gian cho Đơn Khiếu nại của tôi.

Người khiếu nại

Nguyễn Thiên Hà


Tài liệu đính kèm

Giấy Xác nhận 5987/GXN-STTTT đề ngày 21 tháng 12 năm 2017 ký ban hành bởi ông Trịnh Hữu Anh – Phó phòng Xuất bản, In và Phát hành thuộc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM.

img_1693


Danh sách tài liệu và xuất bản phẩm tham chiếu

[1] Sách 轉法輪, 李洪志 (sách Chuyển Pháp Luân, tiếng Hoa, tác giả Lý Hồng Chí)

http://gb.falundafa.org/falun-dafa-books.html

[2] Website: Viện Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Tiềm Năng Con Người

http://tiemnangconnguoi.vn/gioi-thieu

[3] Bản tin trên báo An ninh Thế Giới: “Kính báo về chương trình tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm”

http://antg.cand.com.vn/Phong-su/Kinh-bao-ve-chuong-trinh-tim-mo-liet-si-bang-ngoai-cam-287149/

[4] Sách Bàn Tay Ánh Sáng (Hands of light), Barbara Ann Brennan, 1988

Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 1996

Giấy phép xuất bản số: 211/CXB ngày 29/05/1995

[5] Sách Trò Chuyện Với Cõi Vô Hình, Hoàng Thị Thiêm, 2017

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2017

Số đăng ký XB: 638-2017/CXBIPH/20-17/HNV cấp ngày 08/03/2017

QĐXB số: 441/QĐ-NXBHNV-2017 ngày 08/05/2017

ISBN: 978-604-53-8318-6

[6] Bản tin báo Doanh nhân & Đời sống: “Ra mắt tự truyện của Nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm”

http://www.doanhnhandoisong.vn/2017/05/ra-mat-tu-truyen-cua-nha-ngoai-cam.html

[7] Sách Truyện cổ Phật Giáo (Nguyên tác Hán văn “Phật giáo cố sự đại toàn”)

Diệu Hạnh Giao Trinh dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu chỉnh

Nhà Xuất Bản Tôn Giáo 2015

Số đăng ký XB: 1468-2015/CXBIPH/01-208/TG

QĐXB số: 388/QĐ-NXBTG ngày 26/6/2015

ISBN: 978-604-61-2478-0

[8] Sách Những hiện tượng siêu phàm, kỳ bí trong văn hóa Phật Giáo – Huyền thoại và thực tế, Quang Tâm sưu tầm & hệ thống, 2016

Biên tập Nguyễn Khắc Oánh

Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2016

Số ĐKKHXB: 464-2016/CXNIPH/35-07/HĐ

QĐXB số: 456/QĐ-NXBHĐ ngày 05

ISBN: 978-604-86-9027-4

[9] Sách Lời Chúa cho mọi người, Kinh thánh Cựu Ước và Tân Ước

Nhà Xuất bản Tôn giáo 2016

Số đăng ký xuất bản: 2888-2015/CXBIPH/02-296/TG

QĐXB: 739/QĐ-NXBTG ngày 08/10/2015